Các thiết bị, công trình trên mạng lưới cấp nước

5/5 - (1 bình chọn)

Mạng lưới cấp nước là hệ thống các đường ống dẫn phân phối nước đến các vị trí sử dụng nước. Bên cạnh các đường ống, trên mạng lưới cấp nước còn một số thiết bị, công trình khác nhằm phục vụ cho nhu cầu vận hành, điều tiết và quản lý mạng lưới. Vậy, có những thiết bị công trình nào trên mạng lưới cấp nước?

Các thiết bị trên mạng lưới cấp nước

Các thiết bị trên mạng lưới cấp nước chủ yếu nhắm vào 3 mục đích: Khóa/mở và điều tiết dòng nước trong một phân nhánh hay toàn mạng lưới; bảo vệ hệ thống đường ống và các thiết bị trong mạng lưới khỏi các hiện tượng tiêu cực, điều chỉnh áp suất trong đường ống; lấy nước cho nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, mạng lưới cấp nước cũng có sự góp mặt của một số phụ kiện, và thiết bị đo lưu lượng nước.

Các thiết bị trên mạng lưới cấp nước

Thiết bị van khóa nước và điều tiết dòng nước

Thiết bị van khóa nước hay van chặn là những loại van nhằm vào mục đích đóng/mở hoàn toàn dòng nước. Bình thường, các thiết bị van khóa này đều được mở, chúng chỉ được đóng lại nhằm sửa chữa – bảo dưỡng cục bộ hoặc toàn mạng lưới; dùng để thay đổi hướng của dòng chảy trong mạng đường ống. Các van khóa nước này thường được đặt tại các nút của mạng lưới, các vị trí đầu nguồn của phân nhánh, đầu, nguồn ống cấp đầu vào cho mạng lưới. Các loại van khóa nước phổ biến hiện nay là van cổng, van bướm, van bi, van cầu. Trong đó, van cổng thường được lắp đặt ở đầu nguồn do kết cấu chắc chắn, độ bền cao, không ảnh hưởng đến lưu lượng nước và ít gây tổn thất áp suất khi mở hoàn toàn. Van cầu thường được sử dụng trong các hệ thống hơi nóng nhiều hơn.

Van bi 3 PCs điều khiển khí nén Haitima Đài Loan

Van bi 3 PCs điều khiển khí nén Haitima Đài Loan

Van điều tiết cũng có thể được sử dụng để điều chỉnh hướng đi của dòng chảy. Một tác dụng nữa là nó có thể điều tiết lưu lượng cung cấp. Các loại van điều tiết có thể được lắp đặt ở ngay trước vị trí sử dụng nước. Người ta thường sử dụng van bướm, van bi vào mục đích điều tiết khi đóng/mở một phần của van; hoặc van cân bằng để điều tiết lưu lượng giữa các nhánh.

Dựa trên phương thức điều khiển vận hành các loại van khóa, van điều tiết này, người ta chia thành 2 loại gồm:

  • Van cơ: là các loại van khóa, van điều tiết được điều khiển vận hành bằng tay. Nhân viên vận hành phải trực tiếp đến vị trí van và sử dụng sức người để điều khiển vận hành van. Cụ thể có: Van cổng vô lăng, van cổng nắp chụp, van bướm tay gạt, van bướm tay quay, van bi tay gạt, van cân bằng cơ.
Van bướm tay gạt thân gang cánh inox gioăng cao su kết nối Wafer

Van bướm tay gạt thân gang cánh inox gioăng cao su kết nối Wafer

  • Van điều khiển tự động: Là các loại van được điều khiển vận hành từ xa. Nhân viên vận hành có thể điều khiển van đóng mở bằng một nút bấm từ phòng điều khiển. Dựa trên năng lượng tiêu thụ để vận hành thì người ta chia van tự động thành 2 loại là van điều khiển điện và van điều khiển khí nén. Các loại van được sử dụng phổ biến gồm: Van bi điều khiển điện, van bi khí nén, van bướm điều khiển điện, van bướm khí nén, van cổng điện, van cổng khí nén, van cân bằng tự động. Tuy nhiên, giá thành của các loại van tự động cao hơn van cơ khá nhiều. Đồng thời lại mất chi phí vận hành. Tuy nhiên lại giảm chi phí nhân công, giải phóng sức lao động con người.

Thực trạng hiện nay, các loại van cơ vẫn được sử dụng phổ biến hơn trong các mạng lưới cấp nước ở Việt Nam. 

Thiết bị bảo vệ, điều chỉnh áp suất 

Các thiết bị này có vai trò chung là giảm thiểu các ảnh hưởng có hại đến với các thiết bị và đường ống trong mạng lưới. Cụ thể:

  • Hạn chế hiện tượng thủy lực: van 1 chiều, búa nước
  • Ngăn ngừa hiện tượng chân không trong ống: van xả khí
  • Ngăn ngừa hiện tượng tăng áp suất đột ngột: van an toàn, van giảm áp
  • Hạn chế ảnh hưởng của sự rung lắc khi vận hành của đường ống: khớp nối mềm

Các thiết bị lấy nước

Các thiết bị này bao gồm tất cả các thiết bị sử dụng nước, lấy nước cho mục đích sử dụng nào đó. Một số thiết bị có thể kể tên như: vòi nước, bồn cầu, bồn rửa tay, vòi tưới cây tự động, họng – trụ tiếp nước cứu hỏa,… Như vậy, các thiết lấy nước trong một mạng lưới cấp nước khu vực, đô thị được chia thành: các thiết bị lấy nước công cộng và thiết bị lấy nước chữa cháy.

Thiết bị lấy nước công cộng thường thấy như: nhà vệ sinh công cộng, vòi nước công cộng, vòi tưới cây cảnh đô thị.

Thiết bị lấy nước chữa cháy như trụ cứu hỏa, họng tiếp nước cứu hỏa sẽ cung cấp nước để dập tắt các đám cháy. Các trụ cứu hóa thường được bố trí dọc các tuyến đường, lấy nước trực tiếp từ các đường ống nhánh của mạng lưới khu vực. Họng tiếp nước thường được bố trí trên vách của các mạng lưới cấp nước nội khu như tòa nhà, khu công nghiệp, nhà xưởng. Trên quy định đã có quy chuẩn về mật độ, hình thức bố trí các họng – trụ cứu hỏa.

Các thiết bị đo lưu lượng nước

Các thiết bị này còn được gọi là đồng hồ đo lưu lượng nước. Trong mạng lưới cung cấp nước sử dụng rất nhiều đồng hồ nước. Các vị trí cần lắp đặt đồng hồ như:

Thiết bị đo - đồng hồ nước điện từ

  • Vị trí đầu nguồn vào của mạng lưới: Đồng hồ đo lưu lượng tổng của cả mạng lưới.
  • Vị trí đầu của một khu vực, một phân nhánh để đo lưu lượng tổng của khu vực hay phân nhánh đó.
  • Vị trí nhà dân – doanh nghiệp sử dụng, các vị trí sử dụng nước công cộng.

Các thiết bị phụ kiện đường ống

Các thiết bị này được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau

  • Mục đích kết nối: Có thể là kết nối các đoạn ống với nhau, kết nối ống với van, kết nối van với van,… Có một số loại như: khớp nối BE, khớp nối EE, mặt bích,…
  • Mục đích chuyển hường, phân chia dòng chảy: tê, cút, kép
  • Mục đích cố định các thiết bị, đường ống: Bulong – đai ốc, đai khởi thủy,…

 Các công trình trong mạng lưới cấp nước

Các công trình được thiết kế, xây dựng trong mạng lưới cấp nước chủ yếu phục vụ cho 2 mục đích là: bảo vệ hệ thống đường ống và các thiết bị; Kiểm tra, vận hành và quản lý mạng lưới. Cụ thể, các công trình thường được thiết kế xây dựng trong mạng lưới cấp nước gồm:

Nền – hào bảo vệ đường ống

Khi thi công lắp đặt đường ống và các thiết bị, người ta sẽ triển khai đào hào để chôn ngầm đường ống dưới đất. Một số trường hợp cụ thể, người ta sẽ phải xây dựng hào kiên cố để bảo vệ, tránh sức nén từ bề mặt xuống tác động cơ học đến đường ống. Về nền đặt ống, người ta sẽ san nền, trải cát đệm hoặc đổ bê tông. Điều này cũng cần căn cứ thực trạng của nền đất đặt ống như thế nào.

Tiêu chí thi công lắp đặt ống bê tông cốt thép trong mạng lưới cấp nước

Gối tựa – giá đỡ

Đây là công trình nhằm nâng đỡ đường ống và các thiết bị khác; giảm thiểu các xung kích gây ra khi dòng nước di chuyển trong ống, đặc biệt là tại vị trí chuyển hướng, vị trí cuối cụt.

Đường ống và các thiết bị lắp đặt trên đường ống của mạng lưới cũng có trọng lượng không hề nhẹ. Nếu không có giá đỡ thì đường ống sẽ có thể bị võng xuống. Đồng thời, khi dòng nước lưu động trong ống với tốc độ nhanh cũng sẽ gây rung lắc đường ống. Tất cả những điều trên sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng, tuổi thọ của đường ống và các thiết bị. Chúng có thể dẫn đến rò rỉ tại các mối kết nối; thậm trí có thể gây ra gãy, vỡ đường ống.

Giếng thăm – hầm kỹ thuật

Giếng thăm hay một số nơi gọi là hầm(hoặc hố) kỹ thuật. Giếng thăm này thường được bố trí tại các nút giao nhau của đường ống. Tại đây, người ta sẽ bố trí van khóa(thường là van cổng gang ty chìm hoặc nắp chụp), côn cút,… Giếng thăm này chủ yếu được sử dụng khi cần kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị và hệ thống đường ống; quản lý và vận hành mạng lưới.

Kích thước giếng thăm và các thiết bị được trạng bị phụ thuộc vào nhu cầu quản lý vận hành mạng lưới. Kích thước và hình dáng của giếng thăm khám phụ thuộc vào số lượng thiết bị và quy trình vận hành.

Giếng thăm có thể được xây dựng bằng gạch, đổ bê tông, hay các vòng bê tông đúc sẵn,… Tuy nhiên cần lưu ý khi xây dựng nơi có mực nước ngầm cao. Khi đó, giếng cần phải có các biện pháp để ngăn thấm nước, ví như bên ngoài bể trát đất sét nện, bên trong trát xi măng chứa 5% bột chống thấm.

 Có thể bạn quan tâm: Van nước điều khiển điện

Tổng kết

Các thiết bị, công trình trên mạng lưới cấp nước thường được tối ưu hóa nhằm tối ưu chi phí đầu tư, thi công. Các hạng mục sẽ được thể hiện và ghi chú rõ ràng trong các bảng phác thảo và bản thiết kế chi tiết. Về chuyên môn hệ thống cấp nước nói chung, Chúng tôi không thể hiểu rõ bằng Quý Vị làm việc trực tiếp trong lĩnh vực này. Chúng tôi rất mong những lời đóng góp, thảo luận bổ sung của Quý Vị để bài viết có chất lượng hơn. Hãy tương tác cùng Chúng tôi tại phần comment nhé!

THP Valve
Tuấn Hưng Phát được thành lập ngày 05/03/2009, hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối trực tiếp van công nghiệp - vật tư đường ống. Chúng tôi cam kết mang lại những thông tin sản phẩm, những chia sẻ kiến thức thực tế về van công nghiệp cũng như các ngành liên quan một cách chính xác, chi tiết nhất. Nếu Quý Vị cần hỗ trợ, hãy gọi ngay Hotline. Các chuyên viên hỗ trợ Khách Hàng của THP Valve sẽ trực máy 24/7, luôn sẵn sàng phục vụ Quý Vị.