Phân loại van cổng

5/5 - (2 bình chọn)

Phân loại van cổng như thế nào? Có những loại van cửa nào? Trong thực tế, các hệ thống đường ống ứng dụng loại van này rất phổ biến. Tùy tính chất, yêu cầu mà người ta ứng dụng các mẫu sản phẩm khác nhau. Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng để phân loại van cửa, cần căn cứ theo từng tính chất, đặc điểm mục tiêu để phân chia. Tại Tuấn Hưng Phát, chúng tôi có cách phân chia sản phẩm căn cứ theo một tính chất như sau: Căn cứ theo kiểu dáng; căn cứ theo chất liệu chế tạo; căn cứ theo kiểu điều khiển; căn cứ theo kiểu kết nối; căn cứ theo xuất xứ sản phẩm. Vậy, mời Quý Vị tham khảo từng loại trong các cách phân loại van cửa tại Tuấn Hưng Phát dưới đây:

Phân loại van cổng dựa theo kiểu dáng

Dựa theo kiểu dáng, chúng ta có thể phân ra thành 4 loại khác nhau. Phân loại này dựa trên thiết kế cấu tạo và hình dáng khác nhau của các loại van cổng để phân chia.

Van cổng ty chìm

Bạn đã tham khảo bài viết “cấu tạo van cổng” của chúng tôi? Chắc bạn đã nắm rõ về các bộ phận chính của gate valves. Và ty van là một bộ phận trong đó. Ở loại van cửa ty chìm này, ty van luôn bị che khuất, nằm trong thân van và nắp van cho dù van ở trạng thái đóng hay mở. 

Van cổng gang ty chìm Wonil xuất xứ Hàn Quốc

Van cổng gang ty chìm Wonil xuất xứ Hàn Quốc

Một đầu ty van gắn cố định với vô lăng điều khiển; đầu còn lại liên kết với đĩa van theo dạng khớp ren. Khi xoay vô lăng, ty van cũng xoay theo. Tuy nhiên, vị trí của vô lăng và ty van không có sự thay đổi mà sẽ giữ nguyên. Trong khi đó, đĩa van sẽ di chuyển lên xuống theo bước ren liên kết giữa ty van – đĩa van. 

Ưu điểm của van cửa ty chìm là tiết kiệm không gian vận hành. Kể cả khi van mở hoàn toàn thì kích thước các chiều đều không thay đổi. Tuy nhiên, nó lại xuất hiện một mặt trái, một nhược điểm. Nhược điểm của van ty chìm đó là rất khó để nhận biết van đang ở trạng thái đóng hay mở khi chỉ nhìn từ bề ngoài. Cách duy nhất là phải xoay thử vô lăng theo các chiều Open hay Close xem có xoay được hay không. Ví dụ: Khi van đang đóng hoàn toàn, chúng ta xoay vô lăng theo chiều Close sẽ không được; xoay theo chiều Open thì được.

Van cửa – cổng ty nổi

Khác với van ty chìm, van cửa ty nổi có kết cấu ty van hở ra ngoài; liên kết vô lăng – ty van – đĩa van ngược lại hoàn toàn. Cụ thể đó là ty van được gắn cố định với đĩa van; và gắn với vô lăng theo kết cấu bước ren. Khi xoay vô lăng, ty van sẽ di chuyển lên xuống theo từng bước ren. Và theo đó, đĩa van cũng lên xuống theo ty van; vô lăng thì đứng yên tại 1 vị trí.

Van cổng ty nổi chất liệu inox

Van cửa ty nổi chất liệu inox

Trái ngược hoàn toàn với van ty chìm, Ưu điểm của van cửa ty nổi là dễ dàng theo dõi trạng thái của van là đóng hay mở thông qua vị trí của ty van. Ty van nhô lên cao nghĩa là van đang mở. Ty van hạ xuống thấp nghĩa là van đang đóng. Và nhược điểm là yêu cầu không gian vận hành khá lớn. Không gian này phải đảm bảo lớn hơn khoảng cách từ chân van đến điểm cao nhất của ty van khi mở hoàn toàn.

Van cửa nắp chụp

Nhìn chung, các kết cấu, phương thức hoạt động,… của dòng van cửa nắp chụp đều giống với van ty chìm. Duy nhất khác biệt đó là vô lăng của van có thể tháo rời ra khỏi van. Thông thường khi không cần vận hành, người ta sẽ lấy vô lăng ra và đậy nắp chụp bảo vệ ty van lại. Khi cần đóng, mở van, người ta mới tháo nắp chụp ra, và gắn vô lăng lên rồi xoay để vận hành.

Van cổng nắp chụp ty chìm Wonil hàn Quốc

Van cổng nắp chụp ty chìm Wonil Hàn Quốc

Loại van này thường được được lắp đặt tại các vị trí hố kỹ thuật để tiết kiệm không gian. 

Van cổng dao – van dao

Van cổng dao hay còn gọi là van dao có ngoại hình khác hoàn toàn so với 3 loại trên. Chúng có dạng dẹt, mỏng; và kiểu kết nối wafer trong khi 3 loại đã được nhắc đến trước có kiểu kết nối mặt bích hoặc nối ren, một số nhỏ là hàn. Kết cấu ty van của van dao giống như van cửa ty nổi: Vô lăng giữ nguyên vị trí; ty van – đĩa van di chuyển lên xuống.

Van cổng dao bằng inox 304

Đặc điểm của loại van dao đó là tiết kiệm diện tích bề ngang khi lắp đặt; nhưng chiếm nhiều diện tích dọc.

Phân loại van cổng theo chất liệu

Mỗi chất liệu chế tạo van có các tính chất kỹ thuật về vật lý, hóa học khác nhau. Vì vậy, chúng có khả năng phục vụ cho nhóm lưu chất có tính chất khác nhau. Dưới đây là một số chất liệu chế tạo van cổng phổ biến tại thị trường Việt Nam và tính chất của nó.

Van gang

Chất liệu của van cổng gang thường là gang xám, hoặc gang cầu được sơn phủ epoxy chống oxy hóa. Đặc tính chung của van gang là khả năng chịu nhiệt, áp suất và chịu ăn mòn khá khiêm tốn. Vì vậy, môi trường lưu chất mục tiêu mà nhóm van cửa gang phục vụ thường là môi trường nước, nước sạch sinh hoạt. Chúng thường được áp dụng trong các hệ thống cấp nước: Cấp nước sạch sinh hoạt; cấp nước sạch cho sản xuất; cấp nước làm mát; cấp nước PCCC,…

Van cổng inox

Thông thường, chất liệu của nhóm van cửa này là inox 201, 304(CF8), 316(CF8M), hoặc các tiêu chuẩn tương đương khác. Nhìn chung, chúng đều là thép không gỉ, có khả năng chịu nhiệt, chịu áp suất tốt, chịu ăn mòn hóa chất tốt. Bên cạnh đó, chất liệu inox không bị oxy hóa với điều kiện ngoài trời… Vì vậy, van cổng inox thường được áp dụng trong các hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm,…

Van thép

Những dòng van bằng thép thường có khả năng chịu nhiệt, chịu áp suất cao. Nhưng lại khả năng chịu ăn mòn hóa chất kém. Van cửa thép cũng vậy, chúng có thể chịu nhiệt độ lên đến 400 độ C; hoặc 600 độ C với dòng van thép rèn. Van cổng thép thường được ứng dụng nhằm phục vụ cho môi trường dầu khí, hơi nóng.

Van cổng thép rèn nối hàn

Van cổng thép rèn nối hàn

Van cửa đồng

Loại van cổng đồng hay van cửa đồng này thường thấy nhất là tại các hệ thống nước sinh hoạt của gia đình hoặc sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Chúng thường có kích cỡ nhỏ, khả năng chịu nhiệt, áp suất, và chịu ăn mòn hóa học rất khiêm tốn.

Van cổng đồng lắp ren

Van cửa đồng lắp ren

Phân loại van cổng theo kiểu vận hành

Trên thị trường ngày nay tồn tại 3 dạng điều khiển, vận hành của van cổng. Đó là điều khiển bằng tay thường thấy nhất; điều khiển bằng điện; và điều khiển bằng khí nén(thường thấy ở van dao). 

Van cổng dạng cơ – điều khiển bằng tay

Loại van điều khiển bằng tay(van cổng dạng cơ) là loại van phổ biến nhất. Do mục đích ứng dụng của van cửa là đóng ngắt đầu nguồn của cả hệ thống hoặc nhánh nhỏ. Nên chúng thường rất ít khi phải vận hành đóng mở. Chỉ khi có sự cố tại vị trí nào đó trong hệ thống cần đóng van lại để khắc phục hoặc điều chuyển cân đối lưu lượng trong các nhánh mới cần vận hành.

Để vận hành đóng/mở loại van này, người vận hành phải trực tiếp sử dụng lực vặn, xoay vô lăng của van để vận hành đóng/mở van. 

Van cổng điều khiển điện

Van cổng điều khiển điện khá ít gặp trong thực tế sản xuất. Chúng thường được ứng dụng trong các hệ thống có tính tự động hóa cao; hoặc những vị trí có độ nguy hiểm nhất định cho người vận hành(nếu vận hành bằng tay). 

Van cổng điều khiển điện

Van cổng điều khiển điện

Van có cấu trúc đầy đủ các bộ phận của van điều khiển bằng tay. Tuy nhiên, vô lăng điều khiển van được thay thế bằng bộ điều khiển điện(động cơ điện điều khiển van). Bộ điều khiển điện này có cơ chế tác động đồng trục dọc. Dòng điện sử dụng cho mô tơ điện này có thể là 220V, 24V. hay 380V.

Loại van cửa điều khiển điện này có giá thành khá cao so với van điều khiển bằng tay. Mức giá chênh lệch này khá cao nên với điều kiện bất khả kháng người ta mới phải sử dụng.

Van cửa điều khiển khí nén

Loại này thường thấy trên thị trường có cấu trúc thân van là van cổng dao và phần vô lăng điều khiển được thay thế bằng một xi lanh khí nén. Xi lanh này thuộc dạng xi lanh khí nén tác động đồng trục dọc. Ty van sẽ được kết nối trực tiếp với piston. Khi Piston nâng lên hoặc hạ xuống thì cụm ty van – đĩa van cũng được nâng lên hoặc hạ xuống. Qua đó thực hiện việc mở hoặc đóng van.

Van cổng điều khiển khí nén - Van dao khí nén

Van cửa dao điều khiển khí nén – Van dao khí nén

Phân loại van cửa theo kiểu kết nối

Kiểu kết nối hay có thể gọi là phương thức liên kết van với đường ống. Hiện nay, van cửa có 3 kiểu kết nối phổ biến. Đó là kiểu kết nối mặt bích(thường dùng cho van có kích cỡ lớn hơn hoặc bằng DN50); kiểu kết nối lắp ren(thường là ren trong, dùng cho kích cỡ van từ DN50 trở xuống); và kết nối hàn(thường thấy ở van cổng thép đúc, thép rèn chịu nhiệt độ, áp lực rất cao).

Phân loại van cổng

Van cổng gang mặt bích và van cổng đồng lắp ren

Kết nối mặt bích

Là loại van có trang bị các lỗ bulong để cố định van với đường ống. Khi sử dụng van cửa mặt bích, chúng ta cần phải lưu ý đồng bộ tiêu chuẩn mặt bích để thuận tiện cho việc lắp đặt và thay thế khi cần thiết. Trên thị trường có khá nhiều tiêu chuẩn mặt bích như: DIN, JIS, BSI, ANSI,… Đây là các tiêu chuẩn đại diện cho nền công nghiệp(tiêu chuẩn kết nối công nghiệp) của các đế chế công nghiêp như: Đức, Nhật, Anh, Mỹ,…

Các sản phẩm van cổng mặt bích thường có kích cỡ lớn(từ DN50 trở lên), và được ứng dụng rất phổ biến trong các hệ thống công nghiệp.

Kết nối lắp ren

Loại van cổng có kiểu kết nối lắp ren thường có kích cỡ nhỏ, chỉ từ DN50 trở xuống. Chúng thường có chất liệu bằng đồng hoặc inox. Các sản phẩm có kích cỡ như vậy thường thấy ở các hệ thống nhỏ, có áp suất và nhiệt độ thấp. Điển hình là các hệ thống cấp nước dân dụng, cấp nước gia đình,… 

Van hai đầu nối hàn

Ở loại van nối hàn thì hai đầu(cửa vào – cửa ra) không được trang bị bất kỳ phương thức kết nối nào. Người ta sẽ thực hiện mối hàn cơ khí trực tiếp thân van với đầu đường ống. Loại van cổng hai đầu nối hàn thường thấy là van cổng thép rèn hoặc thép đúc có khả năng chịu áp suất, nhiệt độ cao.

Các sản phẩm van cổng nối hàn thường được ứng dụng trong các hệ thống thuộc ngành khai thác, chế biến và ống dẫn dầu khí, các chế phẩm từ dầu khí; hệ thống lò hơi, hơi nóng,…

Phân loại van cửa theo xuất xứ

Tiêu chí phân loại cổng này là căn cứ theo nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể hơn, tiêu chí này căn cứ theo giấy tờ xuất – nhập khẩu của các cơ quan hải quan. Trên thị trường Việt Nam, xuất xứ van cổng thường thấy thuộc một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc,…

Xuất xứ Hàn Quốc – Nhật Bản

Chúng tôi gom nhóm van cổng Hàn Quốc và Nhật Bản bởi những sản phẩm này đều sử dụng tiêu chuẩn JIS – Tiêu chuẩn kết nối công nghiệp Nhật Bản. 

  • Một số thương hiệu van cổng Hàn Quốc như: Wonil, Samwoo, YDK,…
  • Một số thương hiệu van cổng Nhật Bản: Kitz, Toyo, Tozen,…

Van xuất xứ Đài Loan – Trung Quốc

Đa phần các sản phẩm van xuất xứ Đài Loan hoặc Trung Quốc sẽ sử dụng tiêu chuẩn kết nối BSI – Tiêu chuẩn kết nối công nghiệp Anh. Tuy nhiên, Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới, rất nhiều nhà máy sản xuất của các thương hiệu trên thế giới đều được đặt tại Trung Quốc. Vì vậy, các tiêu chuẩn cũng rất đa dạng.

Van xuất xứ Malaysia

Van có xuất xứ Malaysia thường sử dụng tiêu chuẩn kết nối BS – Tiêu chuẩn kết nối công nghiệp Anh. Một số thương hiệu van cổng Malaysia thường thấy trên thị trường Việt Nam là: ARV, AUT, ARITA,…

Tổng kết

Như vậy, chúng ta đã đi tìm hiểu các tiêu chí phân loại van cổng, và các loại van cổng phổ biến trên thị trường Việt Nam. Qua bài viết, chúng tôi đã nêu rõ cách phân loại và đặc tính riêng phục vụ cho những mục đích riêng của van cổng. Quý Vị còn thắc mắc hoặc ý kiến đóng góp vui lòng gửi về địa chỉ Email: kinhdoanh@tuanhungphat.vn hoặc tại phần comment bên dưới. Rất hoan nghênh Quý Vị tham khảo các bài viết, chủ đề tiếp theo của chúng tôi tại chuyên mục “Chia sẻ kiến thức về van cửa“. Trân Trọng!

Quý Vị có thể quan tâm: Van chặn là gì? Mua van chặn ở đâu?

THP Valve
Tuấn Hưng Phát được thành lập ngày 05/03/2009, hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối trực tiếp van công nghiệp - vật tư đường ống. Chúng tôi cam kết mang lại những thông tin sản phẩm, những chia sẻ kiến thức thực tế về van công nghiệp cũng như các ngành liên quan một cách chính xác, chi tiết nhất. Nếu Quý Vị cần hỗ trợ, hãy gọi ngay Hotline. Các chuyên viên hỗ trợ Khách Hàng của THP Valve sẽ trực máy 24/7, luôn sẵn sàng phục vụ Quý Vị.